Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một dạng bệnh viêm của khớp, là nguyên nhân gây đau và tổn thương khớp. Bệnh thường tấn công vào màng của các khớp xương gây ra sưng, dẫn đến đau, nhói và cuối cùng làm biến dạng khớp.

Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp có thể làm ảnh hưởng cả những hoạt động đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày như đi bộ. Tuy không có cách chữa đặc hiệu cho bệnh VKDT, song với việc điều trị thích hợp một chiến lược bảo vệ và thay đổi trong lối sống tốt, bạn có thể sống một cuộc sống lâu dài với nó.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

VKDT xảy ra khi các tế bào bạch cầu có chức năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và virút di chuyển từ máu vào trong màng bao quanh khớp. Các tế bào bạch cầu này xuất hiện và gây ra phản ứng viêm tại khớp do việc tạo ra các chất gây viêm như TNF-alpha, protein. Theo năm tháng, tình trạng viêm đó sẽ làm tổn thương sụn, xương, gân và dây chằng ở gần khớp và dần dần làm biến dạng khớp. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể tác động lên tình trạng phát triển bệnh như yếu tố di truyền, lối sống, hoàn cảnh môi trường, hút thuốc lá và do virút.

Các yếu tố của bệnh này gồm:

– Giới nữ thường có tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn ở nam giới 2 -3 lần.

– Thường xảy ra ở độ tuổi 40 – 60.

Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xảy ra ở nhóm tuổi trẻ hoặc tuổi già.

– Nếu như trong gia đình có người bị VKDT thì càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, tuy không có bằng chứng ghi nhận có sự lây bệnh trực tiếp.

– Hút thuốc lá là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Việc nhanh chóng bỏ thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ.

Triệu chứng và các xét nghiệm

Triệu chứng bệnh: cứng khớp vào buổi sáng kéo dài ít nhất 30 phút; đau – sưng khớp nhất là khi chạm vào. Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện trước nhất ở các khớp nhỏ, nhiều khớp cùng một lúc như khớp cổ tay, bàn tay, mắt cá chân và bàn chân. Khi bệnh tiến triển có thể đau ở các khớp vai, khuỷu tay, đầu gối, hông, xương hàm và cổ. Các dấu hiệu của một cơn VKDT có thể biểu hiện khác nhau từ mức độ thoáng qua tới mức độ nghiêm trọng. Thời kỳ bùng phát của bệnh tăng lên thường có dấu hiệu sưng, đau, làm người bệnh khó ngủ và dần yếu hoặc các dấu hiệu biến mất đi khi cơn viêm đi qua.

Việc chẩn đoán bệnh viêm khớp thường được thực hiện đầu tiên qua việc thăm khám. Bác sĩ sẽ hỏi một số dấu hiệu và triệu chứng để gợi ý bệnh và tiến hành khám các khớp xương.

Việc thực hiện các xét nghiệm nhằm mục đích làm rõ các vấn đề:

– Thử máu nhằm truy tìm các kháng thể hình thành do tình trạng viêm khớp gây ra như: anti-CCP (anticyclic citrullinated peptide) hay yếu tố khớp (RF – rheumatoid factor). Những trường hợp viêm khớp dạng thấp giai đoạn sớm, sự xuất hiện của RF và anti – CCP trong máu tiên lượng đến tình tạng gia tăng tổn thương khớp. Tuy nhiên, RF và anti – CCP cũng có thể xuất hiện trong một số bệnh lý viêm nhiễm mãn tính như lao tiến triển hoặc bệnh khớp tự miễn như lupus ban đỏ hay hội chứng Sjogren.

– Phân tích dịch khớp: rất có vai trò trong việc chẩn đoán và điều trị.

– X-quang khớp: nhằm đánh giá và khảo sát sự biến dạng cũng như tình trạng tổn thương của khớp bị viêm.

Các phương pháp điều trị

Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh VKDT, việc điều trị chỉ nhằm mục đích giảm tình trạng viêm của khớp và dự phòng làm chậm quá trình tổn thương khớp. Điều trị giai đoạn sớm làm giảm nguy cơ người bệnh bị tổn thương các khớp. Thông thường việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc, song đôi khi cần phải kết hợp với phẫu thuật trong một số trường hợp có biến dạng khớp nặng.

Thuốc:

– Nhóm khám viêm không steroid (NSAIDs): giúp giảm đau và làm giảm tình trạng viêm. Tuy nhiên chúng sẽ có những tác dụng phụ khi dùng liều cao và kéo dài như ù tai, loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương ganthận hoặc những vấn đề lên hệ tim mạch. Khi dùng NSAIDs nếu dùng rượu bia càng làm cho các tác dụng phụ dễ xảy ra hơn.

– Nhóm steroid: giúp làm giảm viêm, đau và làm chậm sự tổn thương khớp. Việc sử dụng steroid trong thời gian ngắn có thể làm bệnh nhân cảm thấy tốt hơn về bệnh nhưng việc sử dụng lâu dài theo năm tháng có thể sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc và mang lại nhiều tác dụng không mong muốn như ù tai, mỏng xương, sụt cân và dễ mắc bệnh đái tháo đường.

– Nhóm thuốc tác động lên khớp (DMARDs): hydroxychloroquine, sulfasalazine, minocycline hay methotrexate thường dùng vào giai đoạn sớm khi ảnh hưởng của bệnh lên khớp chưa nhiều và thuốc giúp cứu lấy các mô khớp còn lại.

– Nhóm thuốc ức chế miễn dịch: tác động lên hệ miễn dịch của cơ thể nhằm tấn công và loại bỏ những bào có liên quan gây ra bệnh. Một số thuốc thường dùng như leflinomide, azathioprine, cyclosporine, cyclophosphamide.

– Nhóm ức chế TNF-alpha: như cytokine hoặc tế bào protein hoạt động như tác nhân kháng viêm làm giảm đau, sưng khớp, cứng khớp vào buổi sáng. Tuy nhiên, việc dùng nhóm ức chế TNF-alpha có thể dẫn tới một số tác dụng không mong muốn như làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm lao hoặc nấm hay rối loạn máu.

Phẫu thuật:

Nếu như việc dùng thuốc không đem lại hiệu quả như mong muốn và làm biến dạng khớp nhiều thì việc chỉ định phẫu thuật nhằm sửa chữa khớp hay làm giảm đau sẽ được xét tới. Việc chỉ định phẫu thuật nên được xem xét bởi các bác sĩ chuyên gia về chỉnh hình khớp.

(Theo suckhoedoisong)

Share this post:

Related Posts

Bạn hãy để lại số điện thoại trong nội dung hỏi đáp để chúng tôi có thể tư vấn trực tiếp cho bạn