Bệnh lý tuyến tiền liệt

Tuyến tiền luyệt (TLL) có kích thước như quả hạt dẻ, chỉ có ở nam giới, nằm trước trực tràng, ngay dưới bàng quang và bao quanh ống niệu đạo. Chức năng của tuyến là tham gia tạo ra tinh dịch và co bóp khi có khoái cực.

Cũng như bất cứ cơ quan nào trong cơ thể, TTL có thể gặp phải những vấn đề của mình. Ba bệnh lý thường gặp nhất bao gồm: viêm TTL, phì đại lành tính TTL, ung thư TTL.

Viêm tuyến tiền liệt

Viêm TTL ít gặp nhất nhưng lại dễ chuẩn đoán và điều trị nhất. Bệnh thường xảy ra đột ngột khi xét nghiệm thường thấy trong nước tiểu có nhiều bạch cầu và vi khuẩn. Người bị viêm thường có các dấu hiệu như sốt, gai rét, đau vùng thắt lưng và vùng sinh dục, có cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu.

Viêm TTL mãn tính, cũng do nhiễm khuẩn nhưng không xảy ra đột ngột. Chỉ có triệu chứng nhiễm khuẩn bàng quang hay tái diễn với cùng loại vi khuẩn.

Bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ tuổi vị thành niên muộn trở đi (17 tuổi), các triệu chứng hết rồi lại tái diễn một cách tự nhiên, có thể có dấu hiệu viêm hoặc không viêm. Đây không phải là bệnh lây truyền, đại đa số trường hợp đều không lây lan qua đường tình dục.

Phì đại lành tính

Là loại bệnh lý chính đứng hàng thứ hai trong số các bệnh lý của TTL. Bệnh xuất hiện khi TTL phát triển chèn ép vào niệu đạo và gây ra nhiều vấn đề tiết niệu như hay đi tiểu, dòng nước tiểu yếu, đôi khi ngừng và nhỏ giọt. Những biện pháp thông thường để phát hiện bệnh phì đại TTL là thăm khám qua trực tràng để đánh giá kích thước và độ mềm cứng của TTL, siêu âm hay chụp X- quang bàng quang.

Đến tuổi 60, nhiều quý ông có những dấu hiệu phì đại TTL. Đến tuổi 70 hầu hết nam giới có TTL to ra ở một mức độ nào đó. Trong trường hợp xấu nhất, phì đại có thể làm cho bàng quang yếu đi, gây nhiễm khuẩn bàng quang hay thận, tắc dòng tiểu và suy thận.

Sự thực là một số nam bị ung thư TTL cũng đã bị phì đại TTL nhưng hai bệnh không nhất thiết liên quan đến nhau.

Ung thư

Đây là bệnh khiến nhiều nam giới lo sợ, không chỉ bởi bệnh đe dọa tính mạng mà còn gây ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Hậu quả của nhiều phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng tới vấn đề kiểm soát bàng quang và chức năng cương dương. Nếu được phát hiện sớm, khi ung thư vẫn chỉ giới hạn ở tuyến thì việc điều trị vấn có thể có kết quả với tác dụng phụ tối thiểu. Khi ung thư TTL ra ngoài tuyến thì việc điều trị khó mang lại kết quả hơn.

Ung thư TTL không gây ra triệu chứng gì ở giai đoạn đầu, vì thế nhiều trường hợp ung thư đã vượt ra ngoài tuyến mới được phát hiện. Những dấu hiệu và triệu chứng có thể gặp bao gồm: đau âm ỉ vùng tiểu khung, buồn tiểu khẩn cấp, tiểu khó lúc đầu, đau khi tiểu, dòng nước tiểu yếu và tiểu xón, tiểu ngắt quãng, có cảm giác bàng quang chưa hết nước tiểu, tiểu đêm nhiều lần, có máu trong nước tiểu, xuất tinh đau, đau vùng thắt lưng, hông, đùi, ăn không ngon và sút cân, đau xương dai dẳng.

Bệnh này thường phát triển chậm và lúc đầu chỉ giới hạn ở tuyến. Lúc này bệnh chưa có gì nguy hại nhưng nếu không điều trị thì ung thư có thể bắt đầu xâm lấn các mô và gây tổn thương ở các vùng khác của cơ thể.

Một số thể ung thư TTL có thể xâm lấn và lan xa nhanh. Đến nay nguyên nhân phát sinh ung thư TTL cũng như vì sao một số thể ung thư khác lại phát triển vẫn còn chưa rõ. Việc chuẩn đoán mới chỉ dựa vào định lượng PSA (kháng nguyên đặc hiệu của TTL) và thăm khám tuyến qua trực tràng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do gây tăng PSA, do đó nếu nghi ngờ ung thừ thì nên làm sinh thiết. Đối với hầu hết các trường hợp ung thư TTL, các bác sĩ thường mổ lấy đi toàn bộ tuyến, sau đó dùng hormone sinh dục nữ kết hợp với tia xạ, hóa liệu pháp. Các phương pháp điều trị nói trên có thể có những tác dụng phụ như hormone sinh dục nữ ảnh hưởng đến sự cương dương, cắt bỏ tuyến có thể ảnh hưởng đến cơ vòng niệu đạo và gây xuất tinh ngược dòng vào bàng quang. Ngoài ra một số dây thần kinh bị cắt đứt nên việc cương dương cũng bị ảnh hưởng

Share this post:

Recent Posts

Bạn hãy để lại số điện thoại trong nội dung hỏi đáp để chúng tôi có thể tư vấn trực tiếp cho bạn