Thoái hóa khớp là căn bệnh dễ xảy ra ở người cao tuổi và phụ nữ. Tuy không gây tử vong như cao huyết áp, đái tháo đường nhưng bệnh ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt do triệu chứng đau, tê, hạn chế cử động… Vậy phải làm gì để chủ động phòng ngừa thoái hoá khớp?
Thoái hóa khớp ở người cao tuổi phần lớn không có nguyên nhân rõ rệt. Các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa bao gồm tuổi tác, tình trạng béo phì, chấn thương nhẹ và mạn tính ở khớp. Khi khớp bị thoái hóa, phần sụn đệm giữa hai đầu xương sẽ bị hỏng, kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ma sát ở điểm nối giữa hai đầu xương, gây đau nhức và cứng khớp, hạn chế cử động khớp. Vì vậy, nếu thấy các dấu hiệu trên trong hai tuần, bạn nên đi khám bác sĩ để xác định loại thoái hóa khớp và điều trị sớm, tránh nguy cơ tàn phế…
Tuy nhiên để phòng ngừa và hạn chế các cơn đau do thoái hóa khớp trong sinh hoạt cũng như ăn uống, bạn nên lưu ý những điều sau:
– Giảm cân, nếu cân nặng của bạn vượt chuẩn. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi nó sẽ giúp giảm áp lực cho khớp.
– Lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp, hoặc đi vật lý trị liệu sẽ đem lại những ích lợi nhất định đối với người mắc chứng viêm khớp…
– Cùng với các phương pháp trên thì trong chế độ ăn, người bệnh cũng nên hạn chế đồ uống có cồn.
– Tránh ăn những thực phẩm có hàm lượng purin và fructozo cao như cá trích, thịt gia súc, gan và thịt lợn muối.
– Tránh tất cả món ăn làm tăng mỡ trong máu như: thịt mỡ, bơ, xúc xích, dăm bông và cả bánh kẹo. Nên ăn bổ sung thêm thực phẩm có chứa acid omega -3, tăng cường vitamin D qua chế độ ăn uống và uống viên nén sẽ có tác dụng giảm đau lâu dài
– Tăng cường các loại trái cây như đu đủ, dứa, chanh, bưởi vì các loại trái này là nguồn cung ứng men kháng viêm và sinh tố C, 2 hoạt chất có tác dụng kháng viêm.
(theo vtv)