Cốt khí là cây mọc hoang khắp mọi miền rừng núi hay trên những đồi trọc ở nước ta cũng như tại các nước thuộc vùng Đông Á ôn đới. Cốt khí có nhiều tên gọi như Điền thất, Hổ trượng căn, Ban trượng căn… Thông thường người ta hay dùng loại Cốt khí củ (Polygonum cuspidatum Sieb.et Zucc. Thuộc họ rau răm Polygonaceae) và loại Cốt khí muồng (Cassia ocidentalis L. thuộc họ vang Caesalpiniaceae) để làm thuốc.
Bộ phận dùng làm thuốc là củ, rễ. Cây cốt khí thường được thu hoạch rễ củ quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa thu đông khi phần trên mặt đất của cây đã tàn lụi, đào lấy rễ rửa sạch, cắt bỏ rễ con thái phiến, thuốc có thể dùng sống hay phơi khô trong râm hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp 40 – 45oC.
Để áp dụng trong trị liệu, dưới đây xin giới thiệu cụ thể vài phương thuốc từ cốt khí.
* Trị chứng phong tê thấp (biểu hiện đau nhức gân xương khớp, đau gối, vai, lưng, các khớp ngón tay, ngón chân…): Rễ cốt khí 20g, rễ tầm soọng 20g, rễ cỏ xước 20g, Lá lốt 20g, cam thảo dây 20g, dây đau xương 20g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần, cần uống liền 2 – 3 tuần.
* Trị đau gối, sưng mu bàn chân: Rễ cốt khí 12g, rễ gối hạc 12g, mộc thông 20g, lá bìm bìm 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.
* Trị viêm gan cấp tính: Rễ cốt khí 15g, chút chít 15g, lá móng 20g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Cần uống liền 3 – 4 tuần. Hoặc cốt khí củ 30g, nhân trần 30g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
Có thể gia các vị kim tiền thảo 12 – 16g, xa tiền tử 12 – 16g, tỳ giải 12 – 16g, để trị viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật, sỏi tiết niệu.
* Trị thương tích, ứ máu: Cốt khí củ 20g, lá móng 30g, sắc với 300ml nước còn 150ml chia 2 lần uống trong ngày, mỗi lần uống hòa thêm 20ml rượu.
* Trị táo bón: Cốt khí củ 30g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
(theo nongnghiep.vn)