Tiết trời mưa phùn gió bấc khiến bệnh viêm khớp dễ phát sinh và phát triển. Ngoài việc uống thuốc và áp dụng vật lý trị liệu, một số loại trà dược cũng có tác dụng với bệnh này.
Bài 1: Thổ ngưu tất (rễ cỏ xước), kê huyết đằng mỗi thứ 30 g. Hai vị tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng cho bệnh viêm khớp có dấu hiệu sưng nóng.
Bài 2: Thổ phục linh 40 g, uy linh tiên 30 g, phòng kỷ 10 g. Các vị tán vụn, mỗi ngày lấy 30 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng cho bệnh viêm khớp có triệu chứng đau cố định, tại chỗ nề nhẹ.
Bài 3: Sinh địa 50 g, khương hoạt, độc hoạt, đương quy mỗi vị 30 g; kê huyết đằng 40 g, thiên ma, ngưu tất, tỳ giải mỗi vị 20 g. Tất cả sấy khô tán vụn, mỗi ngày lấy 20-30 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày; người uống được rượu có thể pha thêm chút ít hoàng tửu. Dùng cho bệnh viêm khớp lâu ngày, khí huyết suy nhược, các khớp có biểu hiện viêm dính và biến dạng.
Bài 4: Dâm dương hoắc, uy linh tiên, xuyên khung, nhục quế, ké đầu ngựa mỗi thứ 30 g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày lấy 30-40 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày, pha thêm một chút rượu thì càng tốt. Dùng cho chứng viêm khớp giai đoạn muộn khi các khớp đã biến dạng, thể trạng suy yếu, toàn thân đau mỏi, sợ lạnh, tay chân lạnh…
Bài 5: Hoàng kỳ sống 10 g, quế chi 4,5 g, bạch thược sao 7,5 g, ngũ gia bì 6 g, gừng tươi 2 lát. Các vị thái vụn hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng cho chứng viêm khớp ở người suy nhược cơ thể, thiếu máu, các khớp đau nhưng không sưng nóng, chườm nóng đỡ đau.
Các loại trà dược trên có thể sử dụng để dự phòng, điều trị hỗ trợ các thuốc khác trong giai đoạn bệnh tái phát và khi bệnh đã ổn định.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)