Nguyên lý của đèn hồng ngoại về cơ bản là sử dụng lý liệu pháp bằng phương pháp nhiệt. Sức nóng của đèn có tác dụng giảm đau, chống co cứng cơ; làm giãn mạch, tăng chuyển hóa và dinh dưỡng tại chỗ; thường duy trì chiếu đèn trong khoảng thời gian 15-30 phút.
Trong quá trình sử dụng đèn hồng ngoại cần lưu ý khoảng cách chiếu đèn với vùng da được chiếu ở khoảng cách vừa phải tránh đụng vào đèn hoặc để quá gần có thể gây bỏng.
Bệnh thoái hóa đốt sống trải qua các giai đoạn khác nhau của một quá trình thoái hóa như hư sụn cột sống, viêm khớp thoái hóa, viêm khớp tăng sản. Bệnh thường hay gặp ở người trên 40 tuổi, phần lớn do thương tổn của đĩa đệm gây nên.
Trên phim chụp X-quang có biểu hiện của hẹp khe khớp, đặc xương hoặc gai xương. Gai xương thường mọc ở phần rìa của thân đốt sống, từ những gai này có thể tạo thành những cầu xương, khớp tân tạo những gai này khi chèn ép vào rễ thân kinh sẽ gây đau nhức và tê cánh tay vùng nhánh thần kinh đó chi phối.
Về phương diện chẩn đoán và tiên lượng, muốn biết rõ tình trạng thoái hóa cần chụp bằng các phương pháp đặc biệt như chụp đĩa đệm, chụp bao rễ… Thông dụng và tiện lợi nhất hiện nay thường chụp MRI.
Về điều trị: Phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ tổn thương của tình trạng thoái hóa mà có thể sử dụng các phương pháp điều trị khác nhau hoặc phối hợp giữa các phương pháp. Trong đó bao gồm bất động, nghỉ ngơi khi bị đau cấp tính; lý liệu pháp bằng phương pháp nhiệt (chiếu đèn hồng ngoại), kéo dãn hay ngoài việc sử dụng thuốc tây có thể vật lý trị liệu: nhiệt liệu pháp, điện liệu pháp, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu…
Tác dụng của các phương pháp này chủ yếu là làm giảm đau, điều chỉnh rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn chuyển hóa và rối loạn dinh dưỡng tại chỗ. Thường lý liệu và các giải pháp chữa trị bằng y học dân tộc được phối hợp cùng
các phương pháp khác như kéo dãn và các biện pháp điều trị nội khoa ít khi điều trị đơn độc. Hiệu quả của các phương pháp này phụ thuộc vào giai đoạn của thoái hóa cột sống.
Tùy theo nơi cư trú hiện tại, bạn có thể đến các trung tâm lý liệu và y học dân tộc như Viện Y học cổ truyền trung ương (ở Hà Nội và TP.HCM đều có), Y học dân tôc Tuệ Tĩnh, Y học dân tộc quân đội…
Theo Thanh niên