Đau khớp thái dương hàm

TTO – Tôi năm nay 27 tuổi, thường rất hay bị đau họng, khản tiếng. Khoảng 2 tháng nay tôi bị một triệu chứng vô cùng khó chịu. Khớp hàm phải của tôi hay phát ra tiếng khậc khậc mỗi khi há miệng làm tôi rất khó khăn trong việc ăn uống cũng như nói chuyện.

Đau khớp thái dương hàm

Có những khi tôi cảm giác hàm cứng đờ lại và khó điều khiển. Trong thời gian này thi thoảng tôi bị đau họng (cùng bên với bên khớp hàm bị cứng), và đau tai (rất rất đau, đau như có ai chọc ngoáy vào vậy) nhưng khi khám nội soi tai mũi họng thì bác sỹ kết luận tai mũi họng của tôi không sao hết, rất sạch và chỉ cần súc miệng nứơc muối là khỏi.

Nhân ngày khám bệnh tổng quát của công ty tại bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội, tôi có khỏi bác sỹ và muốn được chụp X-quang khớp hàm để xem có bị “trật khớp” hay không nhưng bác sỹ phòng chụp X-quang lại gạt đi và nói tôi chỉ nên đi khám chuyên khoa răng hàm mặt?

Vậy cho tôi hỏi bệnh của tôi là bệnh gì, có thể chữa trị tại nhà không hoặc nếu không, tôi nên đi khám ở đâu cho đúng nhất?

Lê Y Linh

 – Trả lời của Th.s BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG – Phòng mạch online:

Hiện bạn đang bị đau khớp thái dương hàm bên phải làm khó ăn khó nói, đau có tính chất lan lên tai và lan xuống thành họng cùng bên. Đây là các triệu chứng điển hình của bệnh lý viêm khớp thái dương hàm chứ không phải là trật khớp thái dương hàm, vì nếu trật khớp thái dương hàm thì bạn không thể ăn được cho đến khi khớp được nắn lại vì sẽ rất đau và khớp không cử động được.

Nguyên nhân thường gặp của bệnh bao gồm chấn thương, bệnh thoái hóa khớp, tật nghiến răng, nhai kẹo cao su quá nhiều, nhai thức ăn lớn, quá cứng, trật khớp cắn do một số vấn đề về răng hoặc hội chứng rối loạn đau cơ mặt.

Trong những trường hợp nhẹ, có nguyên nhân rõ ràng bạn chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm thông thường bệnh sẽ khỏi sau năm đến bảy ngày. Các trường hợp còn lại nên khám với bác sĩ răng hàm mặt và trong một số ít nên khám với bác sĩ nội thần kinh để tìm ra đúng nguyên nhân để có thể điều trị dứt điểm bệnh.

Hiện bạn nên để khớp được nghỉ ngơi bằng cái ăn thức ăn mềm, ít nhai, ít nói và không nằm để mặt nghiêng sang bên bị bệnh.

* Gần đây (khoảng 2 tuần) nay tôi cảm thấy đau (đau ngứa) ở trong tai trái, kèm theo đau nửa đầu trái, nhất là đau tai rất khó chịu. Trước đây khoảng 1 năm tôi cũng bị nhưng một thời gian lại khỏi. Tôi đã đi khám tai mũi họng cách đây khoảng 5 ngày, BS kết luận: tai trái có xung huyết, màng nhĩ hai bên kém sáng, viêm họng mạn tính, vòm họng nhẵn (trongtin).

– Theo lời anh mô tả thì các triệu chứng của anh đau ngứa tai bên trái và kèm theo đau đầu trái. Như vậy khám kiểm tra tai trái là bước đầu tiên phải làm, bện cạnh đó soi kiểm tra vòm họng và mũi xoang cũng rất cần thiết để có chẩn đoán chính xác và tránh bỏ sót.

Kết quả nội soi tai mũi họng của anh phát hiện có viêm tai ngoài bên trái là rất phù hợp, có thể giải thích được các triệu chứng, vòm mũi họng và mũi xoang bình thường.

Như vậy anh nên tiếp tục tuân thủ điều trị theo toa bác sĩ đã cho và tái khám lại cho đến khi khỏi hẳn bệnh.

Trong thời gian này ngoài thuốc nhỏ tai bác sĩ đã kê toa, anh không nên ngoáy tai hoặc đưa bất cứ vật gì kể cả bông gòn ngoáy tai, vì có thể sẽ làm bệnh của anh nặng thêm do chấn thương ống tai hoặc nhiễm trùng.

Th.S BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG
(Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân… Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để TTO liên hệ khi cần thiết.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

TTO

Source: Báo Tuổi Trẻ

Share this post:

Related Posts

Bạn hãy để lại số điện thoại trong nội dung hỏi đáp để chúng tôi có thể tư vấn trực tiếp cho bạn