Nhiều người sai lầm khi thấy đau khớp là xoa bóp. Điều đó chẳng những không làm giảm cơn đau mà còn làm cho các khớp… đau thêm.
Xoa bóp làm hỏng khớp
Thạc sĩ Võ Tường Kha, Trưởng khoa Đông y, Viện Khoa học Thể dục thể thao, cho biết xoa bóp có thể có ích trong một số trường hợp, với các dụng làm giảm cơn co cứng. Tuy nhiên, không bao giờ được xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau…).
Khi đau, có thể dùng châm cứu để giảm đau, bởi theo y học cổ truyền, các biểu hiện bệnh lý tại khớp xương như sưng, đau, mỏi, nặng, phù, biến dạng khớp… được gọi là chứng Tý. Tý có nghĩa là sự bế tắc, không thông, tắc nghẽn khí huyết sinh ra chứng sưng, đau nhức.
Do đó, khi dùng kim châm vào những huyệt ở vùng khớp bệnh và xung quanh, sẽ làm kinh mạch khơi thông, khi huyết được điều hoà, thì cơn đau sẽ giảm. Ngoài ra, những người bệnh bị đau khớp, viêm khớp dạng thấp, thấp tim cần lưu ý không nên ra ngoài khi trời lạnh. Độ ẩm không khí cao là nguy cơ gây đau, sưng. Hãy luôn giữ ấm bàn chân để phòng bệnh một cách hiệu quả nhất
Chườm nóng giúp giảm đau
Khi bị đau, cách tốt nhất để giảm đau là làm nóng (khi người bệnh không có bệnh lý gì đặc biệt): tắm nước nóng toàn thân (áp dụng cho các trường hợp viêm nhiều khớp), tắm nóng từng phần (những người không tắm được toàn thân hay đau khớp cục bộ, tay chân…), đắp nóng hoặc chườm nóng, dùng đèn hồng ngoại.
Đối với tắm nóng, nên tắm ở nhiệt độ nước 30 – 40 độ C, thời gian tắm 15 – 20 phút. Nước nóng có tác dụng giảm đau, tăng tuần hoàn ngoại vi, tạo thư giãn cơ, giảm cơn co cứng cơ và giúp người bệnh thực hiện một số cử động chủ động của khớp trong nước. Đắp nước nóng bằng túi chườm nóng lên chỗ đau ở một hoặc hai khớp, thời gian đắp tối đa 20 phút. Nếu dùng đèn hồng ngoại, nên đặt cách da 60 cm, thời gian chiếu tối đa 30 phút…
Thạc sĩ Đỗ Sĩ Hùng, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Trung tâm Cơ Xương khớp, Bệnh viện E Hà Nội, nhấn mạnh rằng nghỉ ngơi có tác dụng giảm đau ở người bệnh viêm khớp mạn tính và trong nhiều trường hợp có thể đẩy lui cơn bệnh. Nếu khớp đau do nguyên nhân cơ học như đau dây chằng hoặc lớp sụn thì nghỉ ngơi hoặc bất động khớp là cách điều trị tốt nhất. Tuy nhiên, việc nằm lâu một chỗ cũng tạo ra các nguy cơ ảnh hưởng tới chức năng vận động và gây ra những thương tật thứ cấp. Vì vậy, người bệnh vẫn có thể di chuyển nhẹ nhàng để tránh co rút khớp.
Một cách giảm đau khác là lấy lá ngải cứu trắng rửa sạch, cho lẫn muối vào rồi nướng nóng lên, đắp vào khớp. Khi khớp bị sưng, đắp ngải cứu muối ấm sẽ làm cơn đau giảm đi, khớp bớt sưng hơn. Hoặc ngâm chân ngày một lần vào nước muối ấm 15 – 30 phút. Nước muối ấm và gừng cũng có tác dụng làm dịu cơn đau, phòng bệnh đau khớp cổ chân và còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh cho toàn thân.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên, nếu sau vài ngày áp dụng các biện pháp này mà không thấy thuyên giảm hoặc giảm rất ít, người bệnh nên đến cơ sở y tế để chữa bệnh, không nên tự ý dùng thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc.
(Theo datviet)