Đau nhức xương khớp là bệnh thường phát triển trong mùa đông khi thời tiết giá rét. Bệnh nhân nhẹ thường có cảm giác đau nhức ở vùng xương khớp bị bệnh, hoặc cảm giác buồn như có kiến bò ở các khớp như đầu gối, tay chân gây cảm giác khó chịu cho người bệnh. Trường hợp nặng có có thể có thể gây biến dạng ở vùng xương khớp bị bệnh.
Trong Đông Y, tất cả các bệnh đau nhức khớp xương, dù có sưng, nóng, đỏ hay chỉ tê mỏi, nặng, ở các khớp thì đều thuộc chứng Tý, nghĩa là bế tắc không thông, dân gian gọi là phong thấp. Và Đông y với nhiều bài thuốc và phương pháp điều trị vật lý trị liệu điều trị rất hiệu quả trong bệnh này.
- 1. Nguyên nhân đau nhức xương khớp
Đông y cho rằng, do sức đề kháng của cơ thể không đầy đủ nên các yếu tố gây bệnh cùng phối hợp xâm phạm đến kinh lạc ở cơ, khớp. Hậu quả là sự vận hành của khí huyết bị tắc nghẽn, gây ra sưng đau, hoặc tê, mỏi, nặng ở một khu vực khớp xương hoặc toàn thân.
Một số người chính khí hư suy vì mắc bệnh lâu ngày hoặc do cao tuổi, các chức năng hoạt động cơ thể suy yếu nên khí huyết giảm sút, không nuôi dưỡng được cân mạch, gây thoái hóa khớp xương và đau. Vì vậy, khi chữa các bệnh về khớp, y học cổ truyền đều hướng tới lưu thông khí huyết ở gân, xương, đưa các yếu tố gây bệnh (phong hàn, thấp, nhiệt) ra ngoài và phòng chống tái phát.
- 2. Điều trị bệnh đau nhức xương khớp
Các phương pháp điều trị bao gồm: thuốc uống trong, tập luyện vận động, dưỡng sinh, xoa bóp, chườm nóng, ăn uống và châm cứu; dùng thuốc bên ngoài (như đắp bó thuốc ngoài khớp sưng đau).
2.1. Điều trị bằng thuốc
Bệnh đau nhức xương khớp trong đông y được chia làm nhiều thể bệnh. Dựa theo các triệu chứng biểu hiện di chuyển hay tại chỗ, đau nhiều khớp hay 1 khớp, sợ gió, sợ lạnh, chân tay lạnh, vận động đi lại khó khăn. Tính chất đau ( đau âm ỉ cắn nhức hay dữ dội)…để có những pháp đồ điều trị cụ thể.
2.2. Điều trị bằng xoa bóp, bấm huyệt
Hầu hết bệnh nhân đau nhức xương khớp cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt, tê mỏi …Xoa bóp bấm huyệt kết hợp với châm cứu là những kích thích vật lý tác động tại chỗ vào da, cơ, thần kinh, mạch máu có tác dụng tại chỗ là giảm đau, giãn cơ và lưu thông khí huyết.
Phương pháp xoa bóp
Ấn huyệt
Làm các thủ thuật ấn (dùng ngón tay ấn vào vùng huyệt cần tác động), day (dùng ô mô út hoặc gốc bàn tay ấn xuống vùng da của bệnh nhân di động theo đường tròn), lăn (dùng mu bàn tay hoặc mặt bên của ô mô út vận động nhẹ nhàng khớp cổ tay với một sức ép nhất định lăn trên vùng định xoa bóp), véo (dùng đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ, kéo da người bệnh lên, cần làm liên tiếp cho da người bệnh luôn bị cuộn ở giữa các ngón tay của thầy thuốc) ở các khớp và các cơ quanh khớp vùng tổn thương.
Vị trí các huyệt cần tác động
A thị huyệt: Các vị trí vùng khớp bị tổn thương ấn vào bệnh nhân thấy đau.
Phong trì: Huyệt ở chỗ trũng phía ngoài cơ thang, phía trong cơ ức đòn chũm sau gáy.
Khúc trì: Đầu ngoài nếp gấp khuỷu, khi gấp cẳng tay vào cánh tay.
Phong môn: Mỏm gai D2 đo ra 1,5 thốn.
Hợp cốc: Huyệt ở chỗ lõm giữa ngón cái và ngón trỏ, đặt đốt 2 ngón cái bàn tay bên đối diện lên hố khẩu bàn tay bên này, đầu ngón cái ở đâu thì huyệt nằm tương ứng tại chỗ đó (giáp xương bàn 2).
Huyết hải: Ở mé trong đầu xương bánh chè đo lên 2 thốn.
Đại chùy: Lấy huyệt ở chỗ lõm dưới mỏm gai đốt sống cổ 7 hay trên đốt sống lưng 1.
Tam âm giao: Từ đỉnh giữa bờ trên mắt cá trong đo lên 3 thốn, huyệt cách bờ sau trong xương chày một khoát ngón tay.
Túc tam lý: Thẳng dưới hõm ngoài xương bánh chè 3 thốn, cách lồi củ trước xương chày 1 khoát ngón tay.
Phong long: Từ huyệt túc tam lý đo xuống dưới 5 thốn, đo ngang ra ngoài một khoát ngón tay.
Vận động: vừa xoa bóp vừa vận động các khớp theo các tư thế, động tác hoạt động chức năng của khớp. Vận động từng bước, động viên người bệnh kiên trì chịu đựng, tập luyện dần dần tăng biên độ hoạt động các khớp. Khi các khớp đã phục hồi chức năng vận động thì động viên người bệnh thường xuyên luyện tập, co duỗi vận động các khớp đều đặn hàng ngày để dự phòng dính khớp tái phát.
2.3. Điều trị bằng châm cứu
Phương pháp điện châm được áp dụng tùy theo từng thể bệnh:
Thể phong thấp nhiệt tý (tương ứng với viêm khớp dạng thấp có đợt tiến triển cấp)
Điện châm các huyệt: phong trì, khúc trì, phong môn, hợp cốc, huyết hải, túc tam lý, a thị huyệt.
Dùng phương pháp điện châm với xung điện cường độ thích hợp (tuỳ theo ngưỡng chịu đựng của từng bệnh nhân), tần số nhanh, thời gian 20-30 phút một lần châm, hiệu quả giảm đau rất nhanh.
Thể thấp nhiệt thương âm (tương ứng với viêm khớp dạng thấp giai đoạn mạn tính, tiến triển chậm)
Điện châm huyệt: A thị huyệt, phong trì, khúc trì, phong môn, hợp cốc, huyết hải, túc tam lý, tam âm giao, thái khê.
Dùng phương pháp điện châm với xung điện cường độ thích hợp (tùy theo ngưỡng chịu đựng của từng bệnh nhân), tần số chậm, thời gian 20-30 phút một lần châm.
Thể đàm ứ ở kinh lạc (tương ứng viêm khớp dạng thấp kéo dài có biến dạng khớp, teo cơ, dính khớp)
Điện châm huyệt: A thị huyệt, phong môn, đại chùy, khúc trì, hợp cốc, huyết hải, âm lăng tuyền, huyền chung, phong long, túc tam lý.
Có thể lựa chọn phương pháp thể châm (châm thường không kích thích xung điện) hoặc phương pháp điện châm với xung điện cường độ thích hợp (tùy theo ngưỡng chịu đựng của từng bệnh nhân), tần số chậm, thời gian 20-30 phút một lần châm.
Trong điều trị, các thầy thuốc còn chú ý đến bệnh mới mắc hay đã lâu ngày, hoặc tái phát nhiều lần. Nếu mới mắc thì dùng các phương pháp loại bỏ yếu tố gây bệnh là chính. Nếu bệnh lâu ngày hoặc tái phát nhiều lần thì phải vừa nâng đỡ tổng trạng, bổ khí huyết, vừa loại bỏ yếu tố gây bệnh.
Phòng khám Đông y Nguyễn Hữu Toàn