Tiểu đường típ II thường gặp ở những người bệnh trên 40 tuổi, béo phì; diễn biến bệnh thường xảy ra từ từ, ít khi có các triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, sút cân.
Mục đích điều trị nhằm duy trì lượng đường trong máu bằng hoặc dưới 1,4 g/l. Đối với đái đường típ II, nguyên tắc điều trị là dùng chế độ ăn thích hợp, nếu không kết quả mới dùng thuốc.
Chế độ ăn là một yếu tố rất quan trọng trong điều trị bệnh đáo tháo đường, bất kì ở tuổi nào, nhiều thể nhẹ chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn đã làm giảm được các triệu chứng lâm sàng, giúp điều chỉnh lại các rối loạn chuyển hóa, phục hồi và duy trì khả năng lao động của người bệnh.
Chế độ ăn phải đảm bảo đầy đủ lượng Protid, Gluxit, Lipit cần thiết cho cơ thể gần với điều kiện bình thường, ở mức độ Protide từ 16-20%, Gluxit 50-60 %, Lipid 20-30 %. Cụ thể:
– Đối với người béo: tổng số calori từ 1.500-1.750 calori, trong đó Gluxit khoảng 150- 120g, Lipid: 50-60g, Protit 100-120g. Trong điều kiện hoàn toàn nghỉ ngơi, yên tĩnh, 1 kg cân nặng lý tưởng phải được cấp 20-25 calori; lao động đi lại vừa phải cần 30 calori; lao động nặng làm việc nhiều cần 35 calori.
– Đối với bệnh nhân gầy: số lượng calori phải tăng hơn với tổng calori cần là 2.500-3.500. Trong điều kiện hoàn toàn nghỉ ngơi, 1 kg cân nặng cần 35 calo; khi vận động nhiều cần 40-50 calo; khi cân nặng bình thường cần giảm tổng số lượng calo.
Đây là một số nguyên tắc chung, việc thay đổ chế độ ăn phải theo sở thích, khả năng tài chính và khẩu vị của từng bệnh nhân. Các mục tiêu của calo cần phải đạt được và giữ vững cân nặng lý tưởng, giảm calo chỉ đặt ra khi bệnh nhân quá béo.
Một số yêu cầu cần đạt được:
– Giữ vững thành phần và thời gian ăn là quan trọng, các thành phần thức ăn có thể trao đổi nhau cho phép bệnh nhân tạo ra một bữa ăn phù hợp và vẫn có thể tự do lựa chọn.
– Thành phần món ăn: thành phần dinh dưỡng tối ưu cho người đái đường không cố định, các hydrat cacbon (55-60%), protein (10-20%), phải hết sức hạn chế mỡ, lượng cholesteron đưa vào phải dưới 300mg mỗi ngày và lượng mỡ bão hòa phải thay bằng các loại dầu thực vật.
– Thức ăn có sợi gồm đậu, rau; thức ăn có chất keo, cám có thể làm giảm đường, làm chậm hấp thu đường và đỡ tăng đường sau khi ăn.
– Sử dụng các chất ngọt nhân tạo có thể thay đường trong nước uống như Aspartam và sacharine giúp làm giảm lượng đường ăn vào mà vẫn giữ được ngon miệng.
– Không uống rượu và các nước ngọt có gaz; hoạt động thể lực cần được điều tiết phù hợp.
– Chế độ ăn cụ thể phải dựa trên từng bệnh nhân, cân nặng, lượng đường trong máu, bệnh đã có các biến chứng hay chưa. Do vậy cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đang theo dõi và điều trị.
BS Bạch Long
(theo vietbao.vn)