Bệnh thận tiết niệu khi mang thai

Y học cổ truyền cũng có các thuật ngữ: thận âm hư, thận dương hư để chỉ sự suy giảm chức năng sinh dục. Chúng ta sẽ cùng bàn đến bệnh thận – tiết niệu với sức khỏe sinh sản.

Những thay đổi ở bộ máy tiết niệu khi mang thai

Khi phụ nữ có thai, y học quan sát thấy rằng hai thận tăng thể tích, thận dài thêm khoảng 1cm và nặng thêm khoảng 4,5 g. Các đài thận và bể thận giãn, đặc biệt ở thận phải. Niệu quản cũng giãn nhẹ do thai chèn ép. Có thể gặp hiện tượng trào ngược bàng quang – niệu quản. Điều này giải thích khi có thai phụ nữ dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu. Sau sinh ba tháng vẫn còn hiện tượng này.

Khi có thai, phụ nữ cũng gặp những thay đổi về huyết động toàn thân và huyết động tại thận. 3 tháng đầu khi có thai, huyết áp giảm do giảm sức cản mạch máu ngoại biên để tăng cung lượng tim, đảm bảo tưới máu tăng dần cho động mạch tử cung, cung cấp máu cho thai nhi phát triển bình thường. Thể tích huyết tương tăng từ 30 – 50%, trong khi đó dịch tổ chức kẽ tăng ít. Trong thay đổi huyết động tại thận, y học nhận biết hiện tượng lọc cầu thận tăng và lưu lượng tưới máu thận cũng tăng từ 30 – 50% trong thời gian mang thai. Vì máu bị pha loãng nên nồng độ albumin, áp lực kéo và áp lực thẩm thấu huyết tương giảm.

Y học cũng cho rằng khi mang thai có sự bất thường trong tổng hợp các chất có tác dụng co mạch hay các thụ thể có ở vỏ thận (renin, prostagladin…). Đây là nguyên nhân chính của thay đổi huyết động tại thận. Hậu quả của sự thay đổi huyết động ở phụ nữ có thai được thể hiện ở urê huyết giảm vì máu bị pha loãng và tăng thể tích và dịch ở các khoang, tổ chức kẽ, (tăng cân, phù).

Khi mang thai có thể mắc bệnh gì ở bộ máy tiết niệu?

Khi có thai, người phụ nữ có thể bị các bệnh ở bộ máy tiết niệu sau:

– Nhiễm khuẩn tiết niệu

Nhiễm khuẩn tiết niệu thấp hay viêm bàng quang cấp với các triệu chứng: đái rắt, đái buốt, nước tiểu sẫm màu. Khi làm nước tiểu xét nghiệm phát hiện protein âm tính hoặc vết nhưng có nhiều hồng cầu và bạch cầu. Chỉ cần điều trị với thuốc sunfamid hoặc râu ngô, bông mã đề.

Nhiễm khuẩn tiết niệu cao hay viêm thận – bể thận cấp với các triệu chứng như sốt cao, rét run, đái rắt, đái buốt, đái đục và nước tiểu sẫm màu. Làm xét nghiệm thấy bạch cầu, hồng cầu và có thể thấy vi khuẩn, thường là Escherichia Coli. Trong trường hợp này cần điều trị với kháng sinh nhóm betalacmin. Không dùng kháng sinh nhóm aminoglucosid và quinolon vì gây độc cho thận và có hại cho thai nhi.

– Tăng huyết áp

Huyết áp động mạch trên 140/80 mmHg do thiếu máu cục bộ rau thai. Bệnh tăng huyết áp thường gặp ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hoặc ba tháng cuối của thai kỳ.

Trong điều trị dùng các thuốc ức chế trung ương giao cảm, chẹn bêta giao cảm. Không nên dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn canxi. Chế độ ăn nhạt và dùng thuốc lợi tiểu không được khuyến cáo vì có nguy cơ gây thiếu máu rau thai dễ gây đẻ non hoặc thai chết lưu.

Tiền sản giật hay nhiễm độc thai nghén có thể gặp ở phụ nữ trẻ có thai lần đầu vào ba tháng cuối của thai kỳ với các triệu chứng phù nhiều, tăng huyết áp và protein niệu nhiều. Sản giật với các cơn co giật toàn thân gây nhiều biến chứng, kể cả tử vong cho sản phụ và thai nhi. Nguyên nhân của biến chứng này là do giảm cung lượng tim, thiếu máu cục bộ tử cung và rau thai. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất.

Đông máu rải rác trong lòng mạch. Nếu xảy ra tắc các tiểu cầu thận sẽ gây suy thận cấp nặng. Thêm vào đó những thập niên gần đây, y học còn đưa ra hội chứng Hellp ở phụ nữ có thai vào tháng cuối có tan máu, tăng men gan, giảm tiểu cầu và suy thận. Đây là biến chứng rất nặng, nguy cơ tử vong cao mặc dù được áp dụng các phương pháp điều trị tích cực, hiện đại như lọc máu liên tục chậm tĩnh mạch – tĩnh mạch.

Những biến chứng ở cơ quan sinh dục khi bị bệnh thận – tiết niệu

Khi bệnh thận – tiết niệu đặc biệt đã có suy thận ở các mức độ, người bệnh cả nam và nữ đều bị giảm ham muốn tình dục, khả năng có con ít. Ở nữ giới sẽ bị nhiều khí hư, gặp nhiều tai biến sản khoa hơn người phụ nữ khỏe mạnh như: thống kinh, rong kinh, đẻ non, tiền sản giật hoặc sản giật.

Những lời khuyên

Khi nữ giới bị thống kinh, đa kinh, khí hư, sảy thai nhiều lần hoặc vô sinh cần khám bệnh để xác định có bệnh thận và suy thận hay không.

Khi có thai, người phụ nữ cần khám thai định kỳ, đầy đủ theo dõi cân nặng, huyết áp và protein niệu kết hợp với thăm khám lâm sàn, siêu âm phụ – sản khoa để phát hiện sớm những bất thường về thận – sản với mục đích phòng ngừa, tiên lượng và xử trí kịp thời. Vấn đề phụ nữ bị bệnh thận – tiết niệu có thai cần được xem xét. Nếu bị viêm cầu thận cấp, sỏi thận và đường tiết niệu nhưng chưa có suy thận có thể mang thai được. Nếu bị hội chứng thận hư tiên phát, viêm cầu thận luput đang điều trị với các thuốc glucorticoid và thuốc giảm miễn dịch, bị suy thận vừa và nặng thì không nên có thai, nếu có thai cần can thiệp cho ngừng thai sớm.

Theo 24h.com

 

Share this post:

Recent Posts

Bạn hãy để lại số điện thoại trong nội dung hỏi đáp để chúng tôi có thể tư vấn trực tiếp cho bạn