Tôi hoảng sợ khi bác sĩ nói tôi có dấu hiệu suy thận, vì sao dẫn đến suy thận? Điều trị như thế nào? Có nguy cơ gì cho sức khoẻ?
Thận có 4 chức năng chính: Giữ cân bằng dịch trong cơ thể – Giữ cân bằng các chất khoáng mà cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường, nhất là chất kali để kiểm soát hoạt động của thần kinh và cơ, quá nhiều hay quá ít kali cũng có thể gây ra yếu cơ và vấn đề cho tim – Loại bỏ các sản phẩm giáng hoá của protein (trong thực phẩm) như urê, creatinine (tạo ra trong tiến trình vận động cơ bắp) – Giải phóng một số hormon thiết yếu vào máu như renin (điều hoà huyết áp), erythropoietin (EPO) giúp tuỷ xương tạo hồng cầu và hoạt hoá vitamin D để hấp thụ canxi trong thức ăn nhằm tăng cường cho xương.
Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh thận mãn tính và suy thận:
Một số người dễ phát triển bệnh thận, nếu có:
Bệnh tiểu đường – Cao huyết áp – Viêm cầu thận – Bệnh di truyền như thận đa nang, hội chứng Alport – Nhiễm khuẩn, nghẽn tắc hay bệnh bẩm sinh đường tiết niệu – Bệnh lupus ban đỏ hệ thống – Bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt – Dùng thuốc giảm đau loại chống viêm không có nhân steroid (NSAID) dài hạn như ibuprofen, ketoprofen và cả một số kháng sinh.
Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển cho nên những ai trong diện có nguy cơ cao bị bệnh thận cần được thầy thuốc kiểm tra thường xuyên. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm nên sự tiến triển đến bệnh thận mãn tính chậm lại nhưng một số trường hợp chức năng thận vẫn diễn biến xấu và cuối cùng dẫn đến suy thận.
Các giai đoạn của bệnh thận mãn tính:
Các tét chẩn đoán, đặc biệt là đo tốc độ lọc của cầu thận sẽ giúp xác định các giai đoạn của bệnh thận mãn tính.
Giai đoạn I: Đã có tổn thương ở thận nhưng tốc độ lọc của cầu thận vẫn ở mức bình thường trên 90.
Giai đoạn II: Tổn thương thận kèm giảm tốc độ lọc của cầu thận (60 – 89).
Giai đoạn III: Tốc độ lọc của cầu thận giảm trung bình (30 – 59).
Giai đoạn IV: Tốc độ lọc của cầu thận giảm nặng (15 – 29). Lúc này đã cần lựa chọn một phương pháp điều trị.
Giai đoạn V: Tốc độ lọc của cầu thận giảm dưới 15, thận không còn làm việc tốt để duy trì được sức khoẻ cho người bệnh và cần chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
Điều trị bệnh thận mãn tính
Khi chức năng thận đã giảm thì cần có biện pháp để giúp cơ thể loại bỏ chất muối, nước thừa và các sản phẩm giáng hoá có trong máu bằng cách điều chỉnh lượng muối, protein, phosphore, calo và các chất khác trong bữa ăn hàng ngày. Chế độ dinh dưỡng thận trọng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và kéo dài thời gian làm việc của thận (cần tư vấn chuyên gia về dinh dưỡng).
Về thuốc cần dùng thuốc kiểm soát huyết áp, duy trì cân bằng về vitamin và chất khoáng, điều trị thiếu máu (bằng EPO nhân tạo, giúp tăng huyết sắc tố lên mức tối thiểu 11 – 12 và nhiều thuốc khác), thuốc giúp cho xương khoẻ bằng vitamin D3, canxi.
Vận động thường xuyên vẫn rất cần thiết cho người có bệnh thận mãn tính vì giúp tăng sức khoẻ, nghị lực sống, giảm huyết áp, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát cân nặng, giảm nồng độ mỡ máu.
Nguy cơ sức khoẻ của bệnh thận mãn tính:
Khi bệnh thận có diễn biến xấu thì nhiều vấn đề sức khoẻ có thể xảy ra như thiếu máu, bệnh xương, tổn thương thần kinh và cao huyết áp.
Tổn thương thần kinh ngoại biên: Gây yếu chân, tay hay có cảm giác kiến bò, cảm giác nóng rát hay khó chịu và bứt rứt ở bàn chân, cẳng chân, dáng đi thay đổi.
Cao huyếp áp: Không chỉ là nguyên nhân nhân chính gây suy thận mãn tính mà còn có thể là hậu quả của bệnh thận, gây tổn thương cho tim và mạch máu. Suy thận có tác động lớn đến huyết áp vì thận không còn duy trì được cân bằng dịch trong cơ thể. Khi dịch ứ đọng ở phổi có thể gây khó thở và suy tim do xung huyết.
(theo báo lao động)