Không ít bậc phụ huynh cho rằng ở tuổi dậy thì, trẻ không bị nhiễm bệnh ở bộ phận sinh dục vì chưa quan hệ tình dục.
Trong khi đó, các em lại ngại và thiếu hiểu biết nên “né” chuyện thăm khám và âm thầm chịu đựng những điều khó tỏ cùng ai…
Thắc mắc nhưng ngại hỏi
Các bạn gái nhỏ thường bị ngứa, đau, sưng, rát đỏ, ra khí hư nhiều, có mùi khó chịu ở bộ phận sinh dục. Còn các bạn trai thì thường bị đau, nổi mụn đỏ, hẹp da quy đầu… Song, dù khó chịu cách mấy, các em cũng ít bộc lộ và không muốn đi khám. Lời khuyên của các bác sĩ (BS) là có bệnh chỗ nào thì phải khám chỗ ấy, không nên ngần ngại, vì chần chừ sẽ tạo cơ hội cho quân “phiến loạn” vi trùng có đủ thời gian “xâm chiếm” các vùng “lãnh thổ” kế cận như: âm đạo, tử cung, vòi trứng… niệu đạo, tinh hoàn…
Hầu hết các bạn (cả nam lẫn nữ) ở tuổi này đều sợ “bị” BS khác phái khám bệnh. Theo BS Nguyễn Ngọc Thông – Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM, không những không nên ngại mà còn phải “khai” bệnh với BS thật rõ ràng. Còn chuyện “ngàn vàng”, các em cũng đừng lo lắng, vì BS có nhiều “chiêu” khám bệnh mà không làm mất đi “chỉ” nào (siêu âm bụng, khám hậu môn…). “Ngàn vàng” chỉ bị ảnh hưởng khi té, ngã mạnh, khi chỗ ấy bị tác động trực tiếp hoặc có quan hệ tình dục mà thôi. Đáng ngại nhất là nhiều em khi nhiễm bệnh ở bộ phận sinh dục lại nghĩ: “chỉ cần ra hiệu thuốc mua thuốc uống là “OK”, cần gì phải đi bệnh viện”. Các BS cho rằng, điều này không nên, vì không an toàn. Nhiều bệnh có triệu chứng giống nhau, nếu không thăm khám thì không thể chẩn đoán đúng…
Không phát hiện bệnh sớm, chuyện gì xảy ra?
Ở các bạn gái nhỏ, nếu không biết cách giữ vệ sinh âm đạo, âm hộ, rất dễ bị vi trùng xâm nhập, nhất là giai đoạn dịch tiết âm đạo nhiều có liên quan đến nội tiết tố như: chu kỳ “đèn đỏ”, trứng rụng… Mặc quần bó cộng với đổ nhiều mồ hôi cũng là nguyên nhân khiến bạn nhỏ dễ bị nhiễm nấm âm hộ, âm đạo. Bởi môi trường ẩm ướt phù hợp cho vi nấm phát triển. Viêm âm đạo ở lứa tuổi này rất khó điều trị, vì không thể dùng các loại thuốc đặt âm đạo. Có những bệnh nhiễm trùng nhẹ nhưng nếu không điều trị sớm, sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là mặc quần áo rộng rãi, giữ gìn vệ sinh cơ thể, dùng khăn giấy sạch để lau sau khi đi vệ sinh, lau từ trước ra sau để không cho vi trùng từ hậu môn “lấn đất”. Giữ gìn bàn tay sạch để không đưa mầm bệnh vào cơ quan sinh dục của mình. Trong thời kỳ “đèn đỏ”, cần thường xuyên thay băng vệ sinh, trung bình bốn – sáu giờ nên thay một lần (máu là môi trường lý tưởng giúp nấm, vi khuẩn phát triển). Thạc sĩ – BS Nguyễn Hữu Trung – ĐH Y Dược TP.HCM, nhắc nhở: “Đi bơi có thể bị nhiễm trùng vùng kín, bởi nước hồ bơi có chứa chất clo khử trùng, làm xanh nước, sẽ tiêu diệt hệ vi khuẩn có lợi ở vùng kín, tạo cơ hội cho vi khuẩn bất lợi phát triển, gây mẩn đỏ, ngứa, mụn nước… Để phòng tránh, cần rửa kỹ vùng kín sau khi bơi, lau khô và không dùng quần áo bơi thuê mướn, chỉ bơi ở những hồ được thay nước thường xuyên”.
Nếu “vùng tam giác” không đánh tín hiệu SOS như: ngứa, đau, rát đỏ, đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, tiểu khó, nổi mụn… thì không cần đi khám. Chỉ đi khám khi thấy một trong các triệu chứng này. Cũng cần lưu ý: Một số trẻ nam được cha mẹ tắm từ nhỏ. Vì thế cha mẹ có thể phát hiện tình trạng hẹp da quy đầu, tiểu khó ở trẻ. Những trường hợp này cần đến khám ở phòng khám Nam khoa – BV Bình Dân. Hẹp da quy đầu thì phải phẫu thuật. Phẫu thuật vùng nhạy cảm khá đau nhưng cần phải thực hiện, vì nếu không, nước tiểu đọng lại vùng chít hẹp sẽ gây viêm nhiễm, thậm chí ung thư. Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ không gây tác hại nào cho bộ phận sinh dục. Nếu phát hiện từ khi trẻ còn nhỏ, có thể nong da quy đầu mà không cần phẫu thuật.
(theo phunuonline)