Tằm ăn lá dâu có tên khoa học là Bombyx mori Linnaeus, nhiều bộ phận và sản phẩm của con tằm được dùng để làm thuốc như tằm chín, tằm vôi, nhộng tằm, kém tằm, phân tằm, ngài tằm, giấy trứng tằm…
Tằm chín
Là con tằm đem luộc rồi phơi hoặc sấy khô, vị mặn béo bùi, tính ấm, có công dụng bổ tỳ ích thận, bổ dưỡng thần kinh, dùng để chữa suy nhược thần kinh, ăn ngủ kém, di mộng tinh, hư lao, trẻ em chậm lớn, phụ nữ sinh con ít sữa, mỏi mệt.
Tằm vôi
Còn gọi là tằm chết gió, bạch cương tàm, thiên trùng… là tằm bị chết cứng do nhiễm vi nấm, vị mặn, tính bình, không có độc, có công dụng trừ phong trấn kinh, long đàm tán kết, giải độc, dùng để chữa trúng phong thất ngôn, kinh giản, đầu phong, hầu phong, đau họng, lao hạch, đan độc, viêm tuyến vú, lở ngứa, sạm da… Một số vận dụng cụ thể như sau:
– Trúng phong miệng mắt méo lệch: Bạch cương tàm 10g, bạch phụ tử 10g, ngô công 1 con, hải tảo 20g, sắc uống.
– Trẻ em kinh phong co giật: Bạch cương tàm 10g, bạc hà 10g, câu đằng 15g, thuyền thoái 15g, sắc uống.
– Mày đay, ngứa da: Bạch cương tàm, khổ sâm, địa phụ tử mỗi thứ 10g, ma hoàng 5g, thích tật lê 15g, sắc uống ngày 1 thang.
– Đau đầu do phong nhiệt: Bạch cương tàm, cao lương khương lượng bằng nhau, sấy khô tán bột, uống mỗi lần 1,5g với nước sắc đại táo. Hoặc bạch cương tàm 6g, mộc tặc 6g, kinh giới 6g, tang diệp 9g, sinh cam thảo 3g, sắc uống ngày 1 thang.
– Sản phụ thiếu sữa: Bột bạch cương tàm 6g uống với rượu nhạt.
– Viêm tuyến vú cấp tính: Bột bạch cương tàm trộn với giấm thanh xoa quanh vùng viêm mỗi ngày 1 lần, kết hợp với uống nước sắc bồ công anh và kim ngân hoa, mỗi thứ 30g.
– Viêm họng khản tiếng, đau họng: Bạch cương tàm 5g, phèn chua 1g, phèn đen 1g, 3 vị tán nhuyễn, lấy 2g sắc với lá bạc hà 1g và gừng tươi 1g, lấy nước súc miệng và ngậm. Hoặc bạch cương tàm 6g, thiên nam tinh 6g, sấy khô tán bột, uống với nước gừng tươi.
– Chữa sạm da mặt: Bạch cương tàm tán nhỏ hòa với nước bôi vào vết sạm, mỗi đêm 1 lần.
– Bạch đới ra khí hư chất trắng đỏ: Bạch cương tàm rửa bằng nước vo gạo, bỏ đầu chân, sấy khô tán nhỏ, uống mỗi lần 2 đồng cân với rượu.
– Trẻ em còi xương: Bạch cương tàm sao qua tán nhỏ, uống mỗi lần 0,5 đồng cân với nước sắc lá bạc hà.
– Trẻ em sốt cao co giật: Bạch cương tàm, cúc hoa, tang diệp mỗi thứ 4,5g, câu đằng 6g, hoàng cầm 3g, chu sa 0,9g (tán bột uống), sắc uống.
Nhộng tằm
Còn gọi là tàm dũng, vị ngọt cay, tính bình, có công dụng hòa tỳ vị, trừ phong thấp, trường dương khí, dùng để chữa trẻ em cam nhiệt, gầy yếu, tiêu khát… Một số vận dụng cụ thể như sau:
– Trẻ em chậm phát dục: Nhộng tằm 250 luộc chín, sấy khô, sau đó đem rang vàng với dầu vừng, nêm đủ mắm muối, mỗi ngày ăn 10 con.
– Trẻ em cam tích: Nhộng tằm rang chín, mỗi ngày ăn 10 con chiêu với mật ong.
– Đái tháo đường, mỡ máu cao: Kén tằm 20 cái, nhộng 10 con, thiên hoa phấn 15g, sinh địa 30g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
– Động kinh, co giật: Nhộng 5 con, cương tàm 10 con, bán hạ chế 15g, ngô công 1 con, toàn yết 0,3g, sắc uống ngày 1 thang.
– Đau răng, cam răng: Nhộng 3g đốt tồn tính, tán bột, trộn dầu vừng bôi vào tổn thương.
– Sởi: Nhộng 15g, xà sàng tử 10g, tạo giác thích 10g, bạch tiên bì 10g, khổ sâm 10g, sắc uống.
Kén tằm
Còn gọi là tằm kiển xác, tằm kiển…, vị ngọt, tính ấm, không độc, có công dụng chỉ huyết tiêu khát, được dùng để chữa tiện huyết, niệu huyết, băng huyết, tiêu khát, phản vị, cam sang, ung thũng, tiểu đêm nhiều lần… Một số bài thuốc cụ thể như sau:
– Đi tiểu đêm nhiều lần: Kén tằm 15g, phúc bồn tử 15g, tang phiêu tiêu 15g, sắc uống ngày 1 thang.
– Đái tháo đường: Kén tằm 20 cái, sinh địa 30g, thiên hoa phấn 30g, bạch thược 20g, cam thảo 3g, tri mẫu 10g, sắc uống ngày 1 thang.
– Viêm loét lưỡi miệng: Kén tằm sao tồn tính, tán bột, trộn với mật ong bôi vào vết loét.
Phân tằm
Còn gọi là tằm sa, vị cay hơi ngọt, tính ấm, mùi hăng, có công dụng trừ phong thấp, tán ứ huyết, giảm đau, cầm tiêu chảy, dùng để chữa phong thấp (lấy phân tằm sao nóng đựng trong túi vải chườm vào chỗ đau), nhức mỏi, bán thân bất toại (dùng 2 bát phân tằm sao nóng, đựng vào 2 túi vải thay đổi mà chườm), đái tháo đường, băng huyết (dùng phân tằm sao vàng tán bột, nấu với rượu hoặc tẩm rượu, uống mỗi ngày 6-12g, cũng có thể sắc với nước chia nhiều lần uống trong ngày), lậu huyết (dùng phân tằm, đất lòng bếp, a giao sao, hoa hòe sao qua lượng bằng nhau 12g, tán bột, uống mỗi ngày 8g với nước có pha rượu), đau mắt đỏ do phong nhiệt, tay chân tê bại, sởi mọc trong da…
Ngài tằm
Còn gọi là tàm nga, con ngài…, vị mặn, tính ấm, có công dụng bổ ích can thận, sáp tinh tráng dương, dùng để chữa liệt dương, di mộng tinh, lãnh cảm tình dục, rối loạn kinh nguyệt, mất kinh sớm, niệu huyết, bạch trọc, bỏng, thương tổn do kim khí, trẻ em cứng lưỡi khóc không ra tiếng… Một số vận dụng cụ thể như sau:
– Liệt dương: Tàm nga 100g phơi âm can, tán bột, trộn mật làm hoàn, mỗi viên to bằng hạt ngô, mỗi tối uống 1 viên. Hoặc tàm nga lượng vừa đủ sao vàng, tán bột, mỗi lần uống 9g với rượu.
– Di tinh bạch trọc: Tàm nga lượng vừa đủ, sấy khô tán bột, dùng nước cơm làm hoàn to bằng hạt đỗ xanh, mỗi ngày uống 40 viên với nước muối nhạt.
– Lãnh cảm tình dục, rối loạn kinh nguyệt, mất kinh sớm: tàm nga 100 ngâm với 500ml rượu trong 7-10 ngày, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30ml.
(suckhoedoisong)