Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh do rối loạn chuyển hóa carbohydrate khi hormon insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. ĐTĐ là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư… Trong quy trình điều trị bệnh ĐTĐ, chế độ dinh dưỡng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng
ĐTĐ được chia làm 2 thể. Thể 1 là thể phụ thuộc insulin, chiếm khoảng 5-10% số bệnh nhân, thường gặp ở người trẻ tuổi, thể trạng gầy. Thể này có nhiều biến chứng. Thể 2 là thể không phụ thuộc insulin, chiếm khoảng 90-95% số bệnh nhân, thường gặp ở những người tuổi trên 40, người béo. Thể này ít có biến chứng.
Trong quy trình điều trị bệnh ĐTĐ, chế độ dinh dưỡng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là ở thể 2. Nếu có chế độ dinh dưỡng tốt, mức đường máu khống chế ở mức an toàn, bệnh sẽ không tiến triển nặng thêm. Trong chế độ dinh dưỡng, điều đầu tiên là cần bảo đảm đủ năng lượng để giữ cân nặng bình thường. Tiếp theo đó phải bảo đảm sự cân bằng tỷ lệ năng lượng giữa protid, glucid, lipid, trong đó protid chiếm 15%, lipid chiếm 50% và glucid chiếm 35%. Lượng protid trong chế độ ăn của người ĐTĐ sở dĩ phải cao hơn người bình thường là để đáp ứng nhu cầu chuyển hóa của cơ thể và cung cấp thêm năng lượng thay glucid, nhưng cũng không nên quá 20% tổng số năng lượng của khẩu phần. Khi sử dụng lipid chú ý dùng nhiều acid béo chưa no vì cần hạn chế cholesterol ở mức thấp nhất. Một điều không thể thiếu trong chế độ ăn của bệnh nhân ĐTĐ là chất xơ. Nên dùng thức ăn giàu chất xơ vì nó có tác dụng khống chế việc tăng glucoza, cholesterol, triglycerid sau bữa ăn. Thực phẩm giàu chất xơ làm chậm lại quá trình hấp thu đường vào máu, qua đó giữ cho mức đường trong máu không bị tăng đột ngột ngay sau bữa ăn, mà tiêu hóa hấp thu từ từ, giữ cho lượng đường trong máu không xuống quá thấp, có lợi cho quá trình điều trị bệnh. Nên có chế độ ăn giàu chất xơ, khoảng 30-40g/ngày. Ngoài chất xơ, thì các thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt vitamin nhóm B (B1, B2, PP) cũng cần có mặt trong khẩu phần ăn, vì các vitamin này giúp ngăn ngừa tạo thành thể cetonic.
Những người bị ĐTĐ cần phân chia khẩu phần thành nhiều bữa để không gây tăng đường huyết sau khi ăn. Trong đó, bữa sáng chiếm 20% năng lượng khẩu phần, bữa trưa chiếm 40% và bữa tối chiếm 40%. Về tổng quát là thế, còn cụ thể, tỷ lệ các thực phẩm người bệnh ĐTĐ nên dùng trong bữa ăn hằng ngày cũng cần được cân đối. Nhóm tinh bột như cơm, mì, ngô… phải hạn chế, vì chúng đều có hàm lượng glucid từ 70-80%. Thay vào đó, người bệnh nên ăn khoai tây, miến dong, vì các thực phẩm này rất ít glucid. Nên dùng nhiều rau quả tươi, vì nó chống lại toan, cung cấp nhiều vitamin, muối khoáng, bệnh nhân có thể ăn nhiều mà không sợ bị tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nên tránh những loại trái cây nhiều đường như dưa hấu, mít, na… Ngoài các loại như rau muống, rau diếp, cà chua, bắp cải, súp lơ, cà, bầu, bí, cà rốt… người bệnh nên ăn nhiều đậu đỗ, vì đậu giàu protein. Thịt, cá, trứng rất giàu protein, nhưng chỉ nên dùng ở mức vừa phải, vì sẽ không tốt cho thành mạch máu và thận – vốn đã rất yếu khi bị ĐTĐ. Các loại thức ăn được chế biến bằng phương pháp luộc, hấp, tiềm, nấu canh, chứa ít chất độc hơn các loại chế biến ở nhiệt độ cao như xào, chiên, đặc biệt là chiên giòn. Bệnh nhân ĐTĐ hạn chế dùng đường, bánh, kẹo… ở mức thấp nhất, nhưng không vì thế mà kiêng sữa, vì sữa là thức ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, dễ tiêu, nhiều protein và các acid amin cần thiết, nên rất tốt cho bệnh nhân ĐTĐ.
- Cẩm Nga
(theo suckhoedoisong)