Đường là chất dinh dưỡng cung cấp nguồn nhiên liệu quan trọng cho cơ thể, đặc biệt là cho tế bào não và hồng huyết cầu. Ở trong máu, glucose là loại đường chính. Glucose thuộc nhóm đường đơn do chất dinh dưỡng carbohydrate cung cấp.
Mức độ đường huyết trung bình là 70md/dl hoặc 3,9mmol/l). Khi đường huyết xuống dưới mức độ 60md/dl (3,7mmol/l) thì ta có tình trạng hạ đường huyết (Hypoglycemia).
Đường huyết thấp có thể gây ra nhiều rối loạn cho sức khoẻ.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân chính đưa tới đường huyết thấp, đặc biệt ở người cao tuổi là:
– Dùng liều lượng quá cao các loại thuốc để điều trị bệnh tiểu đường, khiến cho đường huyết tụt quá thấp.
– Ăn không đầy đủ thực phẩm, khiến cho thiếu glucose.
– Bỏ bữa ăn vì quên hoặc cho là còn no bụng.
– Uống nhiều rượu vì rượu ngăn không cho gan đưa đường vào máu cũng như tăng tác dụng và sản xuất insulin từ tuyến tuỵ. Ảnh hưởng của rượu có thể kéo dài tới ngày hôm sau.
– Mắc các bệnh nhiễm vi khuẩn như nhiễm trùng phổi và đường tiểu tiện, đặc biệt ở người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão.
– Các bệnh trầm trọng về thận, gan, tuyến giáp, ung thư.
– Rối loạn các cơ quan nội tiết hormon.
Dấu hiệu
Các dấu hiệu của đường huyết thấp là tay chân run rẩy, da ẩm lạnh, đổ mồ hôi, hồi hộp lo âu, bất an.
Khi tế bào não không được cung cấp glucose, người bệnh rơi vào tình trạng rối loạn suy nghĩ, mất định hướng, nhức đầu, lên cơn co giật, bất tỉnh, hôn mê.
Tự chăm sóc
Khi xác định là bị đường huyết thấp, nên dùng ngay một ly nước cam, một viên kẹo, miếng bánh bích quy hoặc uống ly nước pha đường để mang đường huyết trở lại mức bình thường.
Người bị bệnh tiểu đường nên luôn luôn mang theo vài cục kẹo, miếng bánh khô để dùng khi cần.
Việc dùng thêm chất ngọt này không gây ra rủi ro nếu đang bị tiểu đường, vì đường huyết chỉ lên cao một chút. Nhưng khi bị hạ đường huyết thì một chút đường dùng thêm là cần thiết và có thể cứu vãn sinh mệnh.
Nếu các dấu hiệu của hạ đường huyết thường xuyên xảy ra, cần đi bác sĩ để tìm nguyên nhân rồi điều trị tới nơi tới chốn.