Nhiều người lầm tưởng rằng những bước chân nặng nề khó nhọc, sự mỏi nhức của các khớp chỉ diễn ra ở tuổi già nhưng thực tế quá trình thoái hóa khớp diễn ra ngay cả khi chúng ta đang còn trẻ. Mặc dù các yếu tố di truyền và lão hoá không thể điều chỉnh được nhưng chúng ta vẫn có thể giảm nguy cơ thoái hóa khớp nếu có tác động tích cực vào các yếu tố cơ học, dinh dưỡng, lối sống…
Chất lượng cuộc sống bị giảm sút khi khớp bị đau
Thoái hoá khớp là hậu quả của mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và thoái giáng tổ chức sụn khớp: quá trình thoái giáng sụn tăng lên trong khi quá trình tổng hợp sụn giảm sút; làm thay đổi hình thái, sinh hoá, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến hiện tượng sụn khớp bị nhuyễn hoá, nứt, loét và mỏng dần, xơ hoá xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn. Bệnh tiến triển thầm lặng, không có biểu hiện gì cho đến một mức độ tổn thương nhất định của sụn khớp mới gây nên các triệu chứng trên lâm sàng như đau khớp, cứng khớp, tràn dịch ổ khớp, biến dạng khớp, dính khớp, teo cơ quanh khớp, gây khó khăn trong lao động, sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí là tàn tật. Các khớp hay bị thoái hoá là những khớp phải chịu sức nặng của cơ thể (các khớp tải trọng) như khớp gối, khớp háng, khớp cột sống…
Truy tìm nguyên nhân
Nguyên nhân thực sự của bệnh thoái hóa khớp vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Tuy nguyên nhân của bệnh chưa biết rõ nhưng người ta đã biết được một số yếu tố nguy cơ cơ bản gây nên bệnh thoái hóa khớp, đó là:
– Yếu tố di truyền: thoái hoá khớp cũng như nhiều bệnh khác chịu chi phối rất lớn của di truyền, có những chủng tộc người có tỷ lệ thoái hoá khớp cao hơn các chủng tộc khác.
– Lão hoá: Các tế bào sụn với thời gian lâu dần sẽ giảm khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi colagen và chất cơ bản của sụn làm cho chất lượng của sụn, tính đàn hồi, tính chịu lực bị giảm sút. Nói cách khác thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình lão hoá của sụn khớp, do đó tần số mắc bệnh tăng dần theo tuổi. Với tuổi thọ trung bình ngày càng cao đồng nghĩa với số bệnh nhân bị bệnh thoái khớp ngày càng nhiều.
– Yếu tố cơ học: các vi chấn thương tích tụ lại nhiều lần (hiện tượng quá tải) là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình thoái hoá tăng nhanh. Hiện tượng quá tải hay gặp trong trường hợp tư thế làm việc không hợp lý; tăng cân quá mức do béo phì, do nghề nghiệp đặc biệt là các chấn thương thể thao như khớp bàn tay, khớp vai của các võ sĩ quyền anh; khớp khuỷu tay của công nhân vận hành búa máy, khoan cắt bê tông; khớp gối của vận động viên bóng rổ hoặc cử tạ, khớp cổ chân của diễn viên balê, vận động viên bóng đá; đĩa đệm cột sống của vận động viên cử tạ; thợ mỏ than, người đội đá, cát, đất…
– Yếu tố dinh dưỡng: thừa cân, béo phì gây quá tải nên sụn khớp, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, thiếu chất khoáng (mangan, zinc), một số vitamin làm ảnh hưởng đến chất lượng của sụn khớp.
– Các dị dạng bẩm sinh và rối loạn phát triển như loạn sản sụn; trật khớp háng bẩm sinh, biến dạng kiểu chân chữ X, chữ O; gù vẹo cột sống gây ra do những rối loạn làm thay đổi đặc tính của sụn và làm hư hại bề mặt khớp.
Thoái hóa khớp.
Có thể trì hoãn quá trình thoái hóa khớp?
Vì chưa biết rõ nguyên nhân của bệnh và bệnh diễn tiến âm thầm không triệu chứng một thời gian dài trước khi bộc lộ đầy đủ trên lâm sàng nên phòng bệnh là tác động vào các yếu tố nguy cơ đã phân tích ở trên càng sớm càng tốt. Mục đích là làm chậm quá trình hủy hoại khớp, nhất là ngăn sự thoái hóa sụn khớp, duy trì khả năng vận động, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trong các yếu tố cần điều chỉnh thì yếu tố di truyền và yếu tố lão hoá là những yếu tố mà chúng ta không thể điều chỉnh được. Ngược lại các yếu tố còn lại (yếu tố cơ học, dinh dưỡng, lối sống) chúng ta có thể điều chỉnh được bằng các biện pháp sau:
Tránh cho khớp bị quá tải: tư thế làm việc hợp lý, không nên làm việc ở một tư thế kéo dài mà nên thay đổi tư thế thường xuyên, nên kết hợp những khoảng nghỉ ngắn 5-10 phút trong khi làm việc, giữ cân nặng ở mức hợp lý, giảm cân nếu béo phì. Tập thể dục thường xuyên và vừa sức, như bơi lội, đạp xe đạp, đi bộ khoảng 30- 60 phút/ngày, tập dưỡng sinh, tập các động tác tập tăng cường sức mạnh của các cơ quanh khớp, làm giảm lực tác động trên bề mặt sụn.
Phát hiện và điều trị kịp thời các chấn thương do thể thao, do nghề nghiệp, sau đó là sử dụng các biện pháp lý liệu pháp, phục hồi chức năng để đưa khớp trở về trạng thái sinh lý bình thường, tránh diễn biến xấu dẫn đến thoái hoá khớp. Với những người làm những nghề có nguy cơ thoái hoá khớp cao thì tìm kiếm các biện pháp thích nghi với điều kiện làm việc, với nguyên tắc là tránh cho khớp ít bị quá tải nhất có thể.
Dinh dưỡng hợp lý: ăn uống đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng nhất là các chất khoáng, các vitamin như rau quả tươi, giàu các chất chống ôxy hoá.
Phát hiện và sửa chữa các dị dạng bẩm sinh, tư thế xấu, lệch trục khớp như chỉnh lại trục khớp, gọt giũa xương chày trong lệch trục khớp gối, sửa chữa lại các thiểu sản khớp háng bẩm sinh.
Dự phòng bằng sử dụng thuốc có tác dụng trên cấu trúc sụn khớp. Hiện các thuốc này mới được khuyến cáo dùng để điều trị bệnh thoái hoá khớp, chưa có các nguyên cứu về chỉ định dự phòng thoái hoá khớp (ở giai đoạn tiền lâm sàng: khi mà các triệu chứng thoái hoá khớp chưa biểu hiện trên lâm sàng).
(theo suckhoedoisong)