Chế độ ăn ở người viêm khớp dạng thấpViêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh gặp ngày càng nhiều, nguyên nhân là do miễn dịch, bệnh sẽ nặng hơn khi mùa lạnh đến. Những nghiên cứu gần đây cho thấy 30-40% bệnh nhân VKDT có thể có lợi nếu họ xác định được loại thức ăn nghi ngờ và loại hẳn nó ra trong chế độ ăn.
Có thể một vài loại chất béo làm tăng đáp ứng viêm ở người bị VKDT?
Vâng, một số nghiên cứu cho thấy chất béo bão hòa có thể làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể. Những thức ăn chứa lượng cao chất béo bão hòa là các sản phẩm động vật: thịt lợn hun khói, thịt bò, bơ… có thể làm tăng các hóa chất tiền viêm trong cơ thể như prostaglandin. Prostaglandin là chất gây ra viêm, đau, sưng và phá hủy khớp ở những người VKDT.
Chế độ ăn nhiều rau xanh tốt cho người VKDT.
Thêm vào đó, một vài bằng chứng cho thấy rằng thịt động vật chứa lượng lớn acid arachidonic, một acid béo biến đổi thành hóa chất tiền viêm trong cơ thể. Một số người VKDT khi dùng chế độ ăn chay sẽ giảm được triệu chứng đau và cứng khớp. Tuy nhiên, một số người VKDT khác thì không có sự cải thiện nào khi họ dùng chế độ ăn không có thịt động vật.
Acid béo omega-6 có làm tăng phản ứng viêm ở người VKDT?
Acid béo omega-6 là một loại dầu thực vật mà nó chứa acid linoleic. Nó tồn tại trong dầu bắp, dầu đậu nành, dầu hướng dương, mầm lúa mì, dầu mè. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn phương Đông có nhiều acid béo omega-6 hơn omega-3. Acid béo omega-3 là một chất béo không bão hòa có nhiều trong cá nước lạnh. Tiêu thụ quá mức acid béo omega-6 có thể làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và ung thư, nó cũng có thể kích thích phản ứng viêm hoặc bệnh tự miễn như VKDT. Nói một cách khác, ăn ít đi acid béo omega-6 và nhiều hơn acid béo omega-3 sẽ ức chế viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu giảm tỉ lệ omega-6 so với omega- trong chế độ ăn có thể làm giảm nguy cơ bị VKDT.
Acid béo omega-3 ảnh hưởng như thế nào trong VKDT?
Acid béo omega-3 là một chất béo không bão hòa có nhiều ở cá nước lạnh và một số thực phẩm có tác dụng kháng viêm trong cơ thể. Thật ra thì acid omega-3 từ cá biển chứa EPA (acid eicosapentaenoic) và DHA (acid docosahexaenoic), đây là những chất làm giảm phản ứng viêm. Một vài nghiên cứu cho thấy, acid béo omega- 3 có tác dụng kháng viêm ở bệnh nhân VKDT và có tác dụng tương tự trên cả bệnh lý tim mạch. Điều này rất quan trọng vì người VKDT có nguy cơ cao hơn bị bệnh lý tim mạch. Nghiên cứu ở người cho thấy có mối liên quan trực tiếp của tăng tiêu thụ DHA và giảm protein phản ứng C (có nghĩa là giảm phản ứng viêm). Acid béo omega-3 chọn lọc từ cá nước lạnh như: cá hồi, cá ngừ và từ một vài loại thực vật như: đậu nành, dầu cải, hạt lanh…
Bổ sung thêm dầu cá có cải thiện VKDT?
Theo Trường khớp Hoa Kỳ (American College of Rheumatology) thì một số bệnh nhân VKDT có thể cải thiện triệu chứng đau và cứng khớp khi dùng bổ sung acid béo omega-3. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, phải dùng nhiều tuần hoặc nhiều tháng mới có được sự cải thiện triệu chứng của VKDT. Một số ít bệnh nhân VKDT khác thì dùng liều cao acid omega-3 sẽ giảm triệu chứng và ít phải dùng thuốc kháng viêm hơn. Một điều cũng cần phải lưu ý là dầu cá sẽ chứa lượng nhiều vitamin A và thủy ngân (gây hại cho cơ thể).
“Chế độ ăn Địa Trung Hải” có giúp ích cho VKDT?
Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều trái cây, rau cải và vitamin C có thể làm giảm nguy cơ bị VKDT. Thật sự, chúng ta biết rằng VKDT không gặp nhiều ở một số quốc gia Địa Trung Hải như: Hy Lạp và Ý. Ở các quốc gia này chế độ ăn chính yếu là trái cây, rau xanh, dầu olive, cá giàu omega-3. Chế độ ăn này còn làm giảm đi nguy cơ bị triệu chứng nặng của VKDT.
Trong trái cây, rau xanh, hạt mầm chứa nhiều phytonutrient, đây là chất có đặc tính chống bệnh tật, tăng cường hệ miễn dịch, kháng oxy hóa (vitamin C, E, selenium, carotenoid). Cây trái, rau xanh cũng có những thành phần kháng virus, kháng viêm và chống khối u. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng chế độ ăn này chống được sự thoái hóa liên quan đến tuổi như: viêm khớp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư.
Vitamin và khoáng chất đối với VKDT?
Acid folic là một vitamin B trong thức ăn và cũng có thể bổ sung từ ngoài. Khi bệnh nhân VKDT điều trị bằng methotrexate thì phải bổ sung acid folic để tạo tế bào hồng cầu. Bổ sung acid folic còn giúp giảm triệu chứng đau và phản ứng viêm cũng như tác dụng phụ của thuốc. Selenium giúp chống lại gốc tự do gây tổn thương mô cơ thể. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, người bị VKDT có sự giảm selenium trong máu và cần bổ sung. Nếu người bệnh VKDT có dùng corticoide thì cần thiết phải bổ sung canxi và vitamin D giúp củng cố xương.
Rượu bia và giảm cân đối với VKDT?
Nghiên cứu gần đây công bố trên Annals of Reumatic Diseases 2008 kết luận uống bia rượu có thể làm giảm đáng kể cơ may bị VKDT. Tại sao như vậy thì các nhà khoa học chưa biết chính xác nhưng cần thiết phải báo bác sĩ điều trị biết việc uống bia rượu vì nó sẽ tương tác với thuốc điều trị, đặc biệt là khi dùng methotrexate mà uống rượu bia thì làm tình trạng nặng nề hơn do sự tổn thương gan.
Việc giảm cân nặng cơ thể sẽ giúp ích cho bệnh nhân VKDT nếu có hiện tượng quá cân, giảm cân giúp giảm áp lực cơ thể lên các khớp ở chân, giảm sự phá hủy khớp, giúp giảm đau và giảm cứng khớp.
(Theo suckhoe&doisong)