Tôi 81 tuổi, bác sĩ chẩn đoán tôi bị vôi hóa và phì đại tiền liệt tuyến (kích thước 40x48x46mm). Hiện tôi đi tiểu bình thường, chưa có triệu chứng gì đặc biệt. Xin hỏi điều trị bằng thuốc có khỏi vôi hóa tiền liệt tuyến?
(Kim Ký)
PGS Vũ Lê Chuyên – Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM:
– Thể tích tuyến tiền liệt của ông hơi to, nhưng chưa có triệu chứng đường tiểu thì hoàn toàn không cần phải điều trị thuốc hay phẫu thuật gì cả. Ông chỉ cần kiểm tra nồng độ kháng nguyên tiền liệt trong máu. Nếu chỉ số này bình thường (dưới 4 nanogam) chỉ cần theo dõi mức độ lành tính của bướu. Khi nào chỉ số quá cao là bệnh ung thư.
Còn bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt là hậu quả của quá trình viêm nhiễm đường tiểu trước đây. Tuyến này gồm nhiều túi nhỏ để tiết dịch vào niệu đạo. Nếu một tuyến bị bít do nhiễm trùng thì dịch tiết sẽ ứ đọng lại, kết tủa và thành vôi mà ta có thể nhìn thấy qua siêu âm. Thật ra không có thuốc nào có thể uống hoặc chích để trị chứng này. Nếu nốt vôi hóa nho nhỏ này không gây biến chứng đi tiểu, chúng ta hoàn toàn có thể sống chung hòa bình với nó.
Rễ nhàu chữa được bệnh gì?
+ Tôi 68 tuổi, gần đây hai đầu gối rất đau, đi đứng khó khăn. Có người nói sắc rễ cây nhàu lấy nước uống sẽ bớt. Xin hỏi rễ nhàu chữa được bệnh gì?
(Nguyễn Thị Hợp, TP.HCM)
DS Lê Kim Phụng – Đại học Y dược TP.HCM:
– Rễ nhàu vị đắng, ấm, tác dụng thông huyết mạch, trừ phong tê nhức mỏi, hạ huyết áp. Dân gian thường dùng rễ nhàu thái mỏng phơi khô sắc uống mỗi ngày 10-12gam có tác dụng trị đau lưng, phong thấp.
Còn bài thuốc chữa nhức mỏi, tê bại do phong thấp gồm: rễ nhàu 40g, nghệ xanh 20g, nghệ vàng 20g, trái ô môi 10g, thiên niên kiện 20g, vỏ quít 20g, quế chi 20g, đỗ trọng 30g, vòi voi 40g, chùm gửi cây dâu 20g, rượu nếp hai lít, đường cát trắng 500g. Ngâm tất cả thuốc vào hai lít rượu nếp trong bảy ngày. Lọc kỹ bỏ xác. Pha rượu đã lọc với một lít nước đường. Mỗi lần uống một ly nhỏ cỡ 30-40ml. Ngày uống hai lần. Những người thể tạng nhiệt, hay táo bón hoặc đang có các chứng viêm nhiễm không nên dùng.