Dị tật ở âm đạo

Do ít tự tìm hiểu và tâm lý xấu hổ, ngại đi khám nên một số phụ nữ đã lấy chồng một thời gian dài vẫn chưa biết là mình bị dị tật. Có những cặp vợ chồng đã chung sống vài năm (lâu nhất là 4 năm), khi đi khám vô sinh mới biết là bà vợ không có âm đạo.

Dị tật không âm đạo ít gặp nhưng nếu đã bị thì chắc chắn không thể có con. Tuy vậy, hiện điều này đã được giải quyết được bằng phẫu thuật tạo hình: Mở một đường hầm từ cửa mình vào tới cổ tử cung rồi dùng một đoạn ruột luồn vào trong đường hầm để thay âm đạo. Phẫu thuật này sẽ mang lại hai hiệu quả: sinh hoạt vợ chồng được bình thường và bà vợ có thể thụ thai. Tới ngày sinh, bác sĩ sẽ phải mổ lấy thai qua đường bụng.

Ngoài tình trạng không âm đạo, phụ nữ còn có thể có một số dị tật khác ở âm đạo và tử cung, chẳng hạn như:

– Âm đạo kép (hai âm đạo): Có vách ngăn hoàn toàn hoặc vách ngăn không hoàn toàn (một phần).

– Hai tử cung hoàn toàn tách biệt nhau và mỗi tử cung chỉ có một buồng trứng và một vòi trứng riêng. Về chức năng sinh dục, mỗi tử cung hoạt động độc lập bình thường, có thể có thai riêng. Cũng có lúc cả hai tử cung đều có thai và sinh đẻ bình thường.

– Hai tử cung dính vào nhau bằng một vách ngăn hoàn toàn và hoạt động độc lập vì mỗi tử cung có một buồng trứng và một vòi trứng riêng.

– Hai tử cung dính vào nhau bằng một vách ngăn không hoàn toàn.

– Tử cung chỉ có một buồng trứng và một vòi trứng, gọi là tử cung một sừng.

– Hai tử cung và hai âm đạo với những hình thái như: Hai tử cung kích thước không bằng nhau; 2 âm đạo kích thước khác nhau, cái rộng tương ứng với tử cung lớn và ngược lại. Có trường hợp âm đạo của tử cung bé bị bịt lại ngay từ phần đầu, trở thành một khoang tách biệt.

Ở phụ nữ, các dị tật sinh dục thường kín đáo nên khó phát hiện. Trước đây, khi phát hiện dị tật, chị em chỉ biết chấp nhận. Ngày nay, khoa học có thể sửa chữa những khuyết tật đó từ khi bé gái đang nằm trong bụng mẹ hoặc bất cứ khi nào phát hiện được. Bằng phẫu thuật tạo hình, bác sĩ có thể cắt bỏ vách ngăn âm đạo tạo thuận lợi cho sinh hoạt vợ chồng cũng như sinh đẻ; hoặc cắt bỏ tử cung và âm đạo phụ (bên bé), tạo điều kiện cho tử cung chính hoạt động bình thường. Vấn đề quan trọng là bệnh nhân không nên xấu hổ mà giấu bệnh. Cần đi khám, tìm ra dị tật để chữa trị càng sớm càng tốt vì tuổi càng cao thì việc mổ tạo hình càng khó khăn, ít mang lại hiệu quả.

(Theo suckhoevadoisong)

Share this post:

Recent Posts

Bạn hãy để lại số điện thoại trong nội dung hỏi đáp để chúng tôi có thể tư vấn trực tiếp cho bạn